Đổi tên tủ sách dành cho công đoàn cơ sở

Đổi tên tủ sách dành cho công đoàn cơ sở


MỘT NĂM TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN TỦ SÁCH DÀNH CHO CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN CƠ SỞ:

Cần đổi thành “Tủ sách dành cho công đoàn cơ sở”

Thứ bảy 23/06/2012 08:58

Sau 1 năm triển khai, đề án xây dựng “Tủ sách dành cho CĐ cấp trên cơ sở” do Nhà xuất bản Lao Động đảm nhận đã đáp ứng một phần nhu cầu nâng cao kiến thức của cả CB và đoàn viên CĐ. Tuy nhiên, sách của đề án chưa “phủ” được hết các tủ sách của cơ sở.

Giới thiệu và phát hành theo nhu cầu thực tế cơ sở

Ngay sau khi đề án được Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phê duyệt, tháng 6.2011, NXB LĐ đã xây dựng danh mục tủ sách dành cho CĐ cấp trên cơ sở gồm 44 đề tài, được cấu tạo theo 3 tủ sách chuyên đề: Nghiệp vụ công tác CĐ và kiến thức pháp luật, giáo dục truyền thống GCCN và tổ chức CĐVN, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời giới thiệu, quảng bá danh mục sách tới gần 2.000 đơn vị CĐ thuộc hệ thống CĐ trong cả nước. NXB cũng cử CB trực tiếp phối hợp với LĐLĐ các tỉnh, CĐ ngành T.Ư giới thiệu và triển khai công tác phát hành theo nhu cầu thực tế cơ sở.

Ngoài việc lựa chọn nội dung phù hợp và tổ chức được 15 bản thảo trong số 44 đầu sách được phê duyệt, in sách và phát hành 15 đầu sách này tới các đơn vị, NXB cũng xây dựng dự thảo quy chế quản lý tủ sách CĐ. Qua tìm hiểu được biết 15 đầu sách đã phát hành được đánh giá khá cao, một số LĐLĐ địa phương, CĐ ngành T.Ư hưởng ứng thiết thực và sớm triển khai xây dựng tủ sách tại đơn vị cơ sở trực thuộc.

Đề nghị đổi tên tủ sách

Mặc dù nắm bắt được nhu cầu của cơ sở nhưng số đầu sách đã in và triển khai tới cơ sở chưa nhiều, mới chỉ là 15/44. Ngay số đơn vị mua sách cũng mới đạt 20%, trong đó 10% đơn vị mua sách với số lượng thấp. Nếu phân tích cụ thể có thể thấy một trong những nguyên nhân đầu tiên là các đơn vị CĐ chưa thấy rõ lợi thế của tủ sách, về giá thành, sự đồng bộ, dễ đọc, dễ hiểu, dễ vận dụng trong hoạt động CĐ. 

Với nguồn kinh phí hạn hẹp dành cho mua tài liệu phục vụ tập huấn, LĐLĐ các tỉnh, CĐ ngành T.Ư không thể ưu tiên mua sách của đề án. Có lẽ chính những điều này đã dẫn tới tình trạng các đơn vị đăng ký mua sách có tính chất “đối ngoại”, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tại công văn số 567/TLĐ ngày 18.4.2011. Ông Lê Huy Hoà - GĐ NXB LĐ cho biết, nguồn kinh phí XB sách của NXB LĐ rất hạn hẹp, khó đáp ứng được nhu cầu XB sách đề án ở các giai đoạn tiếp theo. 

Một vấn đề được những người tham gia làm sách đề án ở NXB đưa ra trước khi thực hiện giai đoạn 2 của đề án là cần đổi tên từ “Tủ sách dành cho CĐ cấp trên cơ sở” thành “Tủ sách dành cho CĐCS” để phù hợp với chủ trương xây dựng tủ sách pháp luật CĐ và nâng cao đời sống văn hoá cho NLĐ của Tổng LĐLĐVN. 

Hơn thế, muốn tủ sách thực sự phát huy tác dụng, các cấp CĐ phải phối hợp chặt chẽ với NXB để tiếp tục xây dựng tủ sách phong phú về nội dung và hình thức, khai thác và sử dụng hiệu quả sách đề án. Theo ông Hoà, Ban Tài chính Tổng LĐLĐVN cần hướng dẫn LĐLĐ các tỉnh, CĐ ngành T.Ư phân bổ tỉ lệ ngân sách hợp lý trang bị tủ sách CĐCS để NXB có thể chủ động kế hoạch XB, in, phát hành. 

 

Một số trong 15/44 đầu sách đã xuất bản là: 120 tình huống pháp luật về BHXH, BHYT; Giải đáp tình huống pháp luật LĐ dành cho CBCĐ; Hãy gia nhập CĐ vì quyền và lợi ích hợp pháp; Hoạt động CĐCS trong các DN khu vực kinh tế ngoài nhà nước...